Sáng nay (ngày 26/09), UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: “Bình Dương trong tương lai”. Dịp này, tỉnh cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều doanh nghiệp tiêu biểu.
Diễn ra tại Trung tâm Hội nghị & Triển lãm Bình Dương, sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các địa phương kết nghĩa và cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh cùng đại diện cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu tầm nhìn, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư; quảng bá Bình Dương với bạn bè thế giới, tạo động lực thực hiện các đột phá chiến lược trong thời gian tới dựa trên nền tảng về chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Bình Dương được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương sau lễ công bố, tỉnh phải xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để tạo ra không gian phát triển mới, những giá trị mới, tạo thuận lợi đi lại cho người dân, tập trung xây dựng khu công nghiệp thế hệ mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp cùng Bình Dương xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới.
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các đại biểu, cơ quan ban nhành, doanh nghiệp,…
Theo nội dung công bố, Quy hoạch sẽ tập trung vào 6 trụ cột phát triển, với 37 nhiệm vụ cụ thể và 5 chiến lược tích hợp, theo mô hình cấu trúc bao gồm “1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển”
Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bình Dương sẽ tập trung phát triển các trung tâm công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH và đô thị sẽ được phát triển đồng bộ, thông minh và bền vững, theo mô hình tăng trưởng xanh, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh và hiện đại, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Bà Trần Thị Hà, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Lê Phong (thứ 2 từ trái sang) tại sự kiện
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, và là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp. Là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Quy hoạch này cũng nhấn mạnh đến liên kết hợp tác phát triển Vùng. Theo đó, Bình Dương sẽ phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia và Vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là mở rộng các kết nối về giao thông, khoa học công nghệ, và nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ tập trung vào việc mở rộng các kết nối giao thông tới cảng biển, cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế, tạo động lực cho sự chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài – Tây Ninh, Hoa Lư – Bình Phước)…
Nghi thức khởi động các công trình trọng điểm
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: nghi thức khởi động các công trình trọng điểm Khu phức hợp WTC Bình Dương; khởi công Khu công nghiệp Cây Trường.
Đáng chú ý, dịp này, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu được cấp phép trong năm 2024 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra còn có nhiều dự án quy mô khác với đa dạng lĩnh vực đăng ký đầu tư, trong đó có thương mại công nghiệp, bất động sản – nhà ở,….
Một số hình ảnh thêm về sự kiện:
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu đáp từ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi lễ
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát biểu về Quy hoạch tỉnh tại buổi lễ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp
Các đại biểu tại buổi lễ