Năm 2024 được đánh giá là thời điểm chuyển giao giữa hai chu kỳ của thị trường bất động sản (2013 – 2023 và 2024 – 2034). Tốc độ phục hồi sau thời kỳ trầm lắng tuy chậm nhưng thị trường đã dần chuyển động theo hướng lành mạnh và chuyên nghiệp; nguồn cung, thanh khoản và giao dịch cải thiện, điển hình nhất là phân khúc chung cư.
Nhiều động lực cho sự chuyển biến rõ rệt hơn đã được định hình, nổi bật nhất là hành lang pháp lý hoàn chỉnh cùng những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ tạo nền tảng quan trọng để thị trường bất động sản 2025 tự tin vận hành và tăng trưởng bền vững trong chu kỳ mới.
Cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật của lĩnh vực bất động sản năm 2024!
1. Ba luật “xương sống” có hiệu lực
Từ ngày 1/8/2024, 3 bộ luật quan trọng, được xem là “xương sống” của thị trường bất động sản, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), chính thức có hiệu lực.
Việc bộ ba luật đồng thời có hiệu lực sớm trước 5 tháng đã tạo hành lang pháp lý mới hoàn thiện, giúp giải quyết nhiều “nút thắt” cho thị trường khi 70 – 80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý. Việc tính giá đất còn nhiều bất cập, thị trường thiếu chuyên nghiệp, thiếu thông tin rõ ràng về dự án, môi giới, chủ đầu tư hay nhiều loại hình bất động sản không được định danh…, là những rào cản khiến việc phát triển và quản lý gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ trong những năm qua.
Quan điểm của lần sửa đổi luật này là nhằm đồng nhất các quy định thể chế liên quan đến sử dụng đất đai, không để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giúp cho các hoạt động đầu tư, sử dụng nguồn lực đất đai được rõ ràng, minh bạch, hiệu quả. Chính vì vậy, khi 3 luật sớm đi vào cuộc sống, thị trường bất động sản sẽ có một nền tảng pháp lý vững chắc để phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, chuyên nghiệp.
Ngày 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi một số điều của 4 Luật. Theo đó, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8, sớm hơn 5 tháng. (Ảnh: Quochoi.vn)
Trong bối cảnh thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới sau giai đoạn trầm lắng kéo dài, việc hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý còn là động lực góp phần khôi phục, củng cố niềm tin, thúc đẩy các nhà đầu tư, doanh nghiệp quay trở lại thị trường và hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững hơn.
2. Đẩy mạnh chống lãng phí nguồn lực đất đai
Lãng phí trong sử dụng đất đai là thực tế đã và đang diễn ra nghiêm trọng suốt nhiều năm qua. Không khó để bắt gặp các dự án “treo”, dự án chậm triển khai, nghiêm trọng hơn là các khu đô thị bỏ hoang, “khu đô thị ma” ở bất cứ địa phương nào trên cả nước.
Tình trạng này không những gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đặc biệt, khi Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai sẽ gia tăng thách thức, bào mòn cơ hội. Chính vì vậy, trong năm 2024, công tác phòng, chống lãng phí, trong đó có lãng phí nguồn lực đất đai được đặt ra là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ…”. Tổng Bí thư xác định, đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp…, “có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Ngày 6/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Từ tư tưởng chỉ đạo, chủ trương đến hành động trong công tác phòng, chống lãng phí, trong đó có lãng phí nguồn lực đất đai nói trên cho thấy quyết tâm cao và sự nhất quán của cả hệ thống chính trị. Điều đó không những giúp tăng cường nguồn lực để đất nước bước vào kỷ nguyên mới thắng lợi, mà còn tác động tích cực, giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững.
3. Nhiều quyết sách mạnh mẽ cho thị trường bất động sản
Với quyết tâm thúc đẩy thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục, phát huy vai trò là lĩnh vực đầu kéo quan trọng của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… đã thể hiện mạnh mẽ vai trò của mình trong công tác điều hành, hỗ trợ thị trường.
Ngay từ đầu năm, Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc họp, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo các địa phương. Tổ công tác cũng trực tiếp đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, chỉ đạo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Từ đó, nhiều quyết sách cho thị trường bất động sản được ban hành, như Nghị quyết 161/2024/QH15 của Quốc hội về “tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu và dự báo để kịp thời đưa ra các giải pháp điều tiết, góp phần ổn định và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Hay Nghị quyết số 171/2024/QH15 về “thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”. Theo đánh giá, Nghị quyết này đã tạo điều kiện rất lớn giúp không ít dự án được mở rộng thêm loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại. Từ đó góp phần cải thiện nguồn cung nhà ở – vốn đang rất khan hiếm trên thị trường.
Chính phủ cũng ban hành Công điện số 79 về việc tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Công điện số 82 về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất…, để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024 và xử lý các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành.
Trong năm 2024, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, cải thiện dòng tiền đầu tư, Chính phủ cũng nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Và thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3,26 điểm phần trăm trong 10 tháng đầu năm 2024 so với thời điểm cuối năm 2022.
4. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phản biện chính sách tích cực, hiệu quả
Năm 2024 tiếp tục là một năm Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) thể hiện rõ nét vai trò phản biện xã hội, đồng thời là điểm tựa tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp. Với sứ mệnh đồng hành, lắng nghe và sẻ chia, VNREA không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những “nút thắt”, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững.
Minh chứng rõ nét cho những nỗ lực này chính là các hoạt động thiết thực mà Hiệp hội đã triển khai, nổi bật trong số đó là công tác tư vấn, giám định và phản biện chính sách. Hiệp hội đã chủ động tham gia góp ý sửa đổi, đề xuất nhiều nội dung góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bất động sản ngay từ giai đoạn soạn thảo. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội đã đóng góp những ý kiến thiết thực, tham mưu với Chính phủ về các chính sách cho thị trường bất động sản một cách đúng đắn, hợp lý và hiệu quả. Nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết của Hiệp hội đã được tiếp thu trong các luật và văn bản quy phạm pháp luật.
5. Thanh khoản phục hồi, giao dịch cải thiện
Thị trường bất động sản 2024 ghi nhận thanh khoản phục hồi, giao dịch cải thiện. (Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu)
Nếu thị trường bất động sản “chạm đáy” trong suốt giai đoạn cuối 2022 đến đầu 2023 và chưa thực sự bớt khó trong nửa cuối năm 2023, thì đến đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận nhiều chuyển biến tốt hơn.
Với động lực từ tăng trưởng kinh tế cùng mặt bằng lãi suất khá hấp dẫn và các luật quan trọng được thiết kế đồng bộ, có hiệu lực sớm…, thị trường bất động sản đã chứng kiến dòng tiền đầu tư dần quay trở lại nhằm tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực và có pháp lý rõ ràng. Cùng với nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất, giao dịch cũng ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Đặc biệt, trong quý IV, thị trường ghi nhận hơn 20.000 giao dịch, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2023. Phân khúc căn hộ áp đảo thị phần, chiếm 75% lượng giao dịch toàn thị trường. Các dự án mới có tỷ lệ hấp thụ rất tốt, đạt trên 70%. Đặc biệt, nhiều dự án ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên tới trên 90% ngay thời điểm chính thức mở bán. Hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp đến từ nhu cầu đầu tư. Trong đó, có một lượng đầu cơ nhất định.
Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47 nghìn giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Lượng giao dịch năm 2024 cao gấp gần 3 lần so với năm 2023.
Cùng với thanh khoản và giao dịch cải thiện, trong năm 2024, thị trường cũng chứng kiến tin vui khi nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Định, Bình Dương… có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý cho dự án. Đơn cử, TP.HCM đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý 8 dự án bất động sản, nổi bật trong số đó như The Metropole Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm… Với nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung, giao dịch trên thị trường hứa hẹn sẽ phục hồi mạnh hơn trong thời gian tới.
6. Giá nhà ở tăng mạnh
Năm 2024, giá nhà ở duy trì đà tăng, liên tục lập mặt bằng giá mới, nhất là trên địa bàn TP. Hà Nội. Ngay trong quý I, giá bán chung cư sơ cấp trung bình tại Hà Nội đã đạt 56 triệu đồng/m2, tăng 5% theo quý và 19% theo năm. Giá bán tại thị trường thứ cấp cũng ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17% so với cùng kỳ và đạt trung bình hơn 36 triệu đồng/m22.
Trong các quý tiếp theo, giá bán chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng. Tính đến cuối quý III, thị trường sơ cấp Hà Nội không còn dự án nào có giá dưới 60 triệu đồng/m2. Những căn nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng gần chục năm cũng ghi nhận mức tăng 25 – 30% so với thời điểm cuối năm 2023.
Tính chung năm 2024, toàn thị trường ghi nhận gần 10 nghìn sản phẩm căn hộ chung cư có giá từ 80 triệu/m2 trở lên, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 20233.
Sự khan hiếm về nguồn cung nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân trong thời gian qua đã góp phần tác động làm tăng giá bán tại các dự án hiện hữu. Khi chi phí liên quan đến nhà ở có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập của người dân đô thị, thì nhu cầu nhà ở vốn là nhu cầu thiết yếu lại ngày càng trở nên “xa xỉ”…
Tình trạng này cho thấy thị trường nhà ở tại các đô thị lớn đang có dấu hiệu phát triển mất cân đối, thiếu bền vững, hệ quả là không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của người dân như các mục tiêu về an sinh xã hội đã đặt ra.
Thay vì được định nghĩa bằng chất lượng, các phân khúc (cao cấp, trung cấp, bình dân) của thị trường nhà ở đang được xác định dựa vào mức giá. Đáng quan ngại hơn, tại những dự án vốn được gọi là “bình dân” thì nay mức giá cũng đã bị đẩy lên cao gấp nhiều lần, kể cả đối với những dự án cũ.
Đồng nghĩa với việc, người dân đô thị đang phải trả giá quá đắt cho chi phí nhà ở. Đó là chưa kể đến chất lượng căn hộ, dự án không thực sự tương xứng với khoản tài chính mà người mua nhà bỏ ra.
7. Đấu giá đất tăng nóng với mức trúng cao kỷ lục
Năm 2024 chứng kiến hoạt động đấu giá đất diễn ra sôi động, nhất là các khu vực vùng ven TP. Hà Nội. Điểm đáng chú ý không chỉ là số lượng tổ chức các phiên đấu giá lớn, mà còn là sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư và mức trúng đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm.
Phiên đấu giá ngày 28/7 tại huyện Đan Phượng chỉ có 85 lô đất nhưng có tới 1.250 hồ sơ tham gia. Kết quả trúng đấu giá cũng ghi nhận ở mức cao lên đến 99,2 triệu đồng/m2, gấp hơn 2 lần giá khởi điểm. Tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá 68 lô đất ngày 10/8 cũng thu hút rất đông nhà đầu tư. Giá khởi điểm các lô đất chỉ từ 8,6 – 12,5 triệu đồng/m2, nhưng kết quả đấu giá trúng cao nhất lên đến 100,5 triệu đồng/m2, gấp gần 9 lần giá khởi điểm.
Tại huyện Hoài Đức, phiên đấu giá ngày 19 – 20/8 được xem là “lập nhiều kỷ lục” khi kéo dài gần 20 giờ đồng hồ, từ 8 giờ sáng ngày 19/8 đến rạng sáng ngày 20/8. Mức trúng đấu giá cũng ghi nhận cao nhất từ trước đến nay, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm đối với lô đất LK03- 12 có diện tích 113m2.
Thực trạng đấu giá đất tăng nóng với mức trúng cao kỷ lục không đơn thuần phản ánh nhu cầu quan tâm đất nền có pháp lý hoàn thiện của nhà đầu tư tăng cao, mà còn để lại nhiều nghi vấn về tình trạng thổi giá, tạo mặt bằng giá ảo trên thị trường. Bởi điểm bất thường là cùng với mức trúng đấu giá tăng cao, tỷ lệ người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá cũng cao không kém.
Nhằm chấn chỉnh kịp thời công tác đấu giá đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg, Công điện 134/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. UBND TP. Hà Nội cũng nhiều lần vào cuộc điều tra và chấn chỉnh nhằm kiểm soát hoạt động đấu giá đất trên địa bàn.
8. Bảng giá đất mới và những nỗi lo
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, trong thời gian chờ bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, bảng giá đất ban hành theo Luật Đất đai 2013 sẽ tiếp tục được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh được phép điều chỉnh bảng giá đất đang áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.
Trên cơ sở này, không ít địa phương trên cả nước thời gian qua đã nghiên cứu, lấy ý kiến và điều chỉnh bảng giá đất, trong đó có Hà Nội và TP.HCM. Việc điều chỉnh bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường đã khiến bảng giá đất điều chỉnh của hầu hết các địa phương có mức giá cao hơn nhiều so với bảng giá đất cũ.
Tại Hà Nội, theo bảng giá đất điều chỉnh công bố ngày 20/12, giá đất tại huyện Thanh Trì tăng bình quân 190%. Xếp sau Thanh Trì là huyện Gia Lâm, Đông Anh, Ba Vì… Bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM có hiệu lực từ ngày 31/10 cũng ghi nhận mức giá cao hơn nhiều so với bảng giá đất cũ. Ba tuyến đường trung tâm TP.HCM, mức giá cao nhất lên đến 687 triệu đồng/m2.
Việc điều chỉnh bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường đã khiến bảng giá đất điều chỉnh của hầu hết các địa phương có mức giá cao hơn nhiều so với bảng giá đất cũ. (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh)
Việc điều chỉnh bảng giá đất tiệm cận giá thị trường được kỳ vọng biến đất đai thành nguồn lực phát triển mạnh mẽ hơn. Khi Nhà nước giao đất thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều hơn, tạo nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Đồng thời, bảng giá đất cao sẽ bảo đảm người dân nhận được mức bồi thường thỏa đáng khi có đất trong diện thu hồi, giảm thiểu bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng – một vấn đề nóng tồn tại lâu nay.
Tuy nhiên, bảng giá đất cao cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí cho người dân khi tính thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác, nhất là khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Từ đó không những tạo gánh nặng tài chính lên người dân mà còn đẩy giá bất động sản tăng cao, làm cho thị trường trở nên méo mó và người dân càng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở.
Đối với doanh nghiệp, giá đất tăng cao sẽ khiến chi phí đầu vào của dự án tăng tương ứng, lại tiếp tục đẩy giá nhà tăng cao. Trong bối cảnh giá nhà đang ngày càng cách xa khả năng chi trả của người dân, việc tăng giá đất khiến giá nhà tiếp tục tăng sẽ càng tác động tiêu cực lên bài toán an cư.
9. Hút mạnh dòng vốn ngoại
Tính đến cuối tháng 11, lĩnh vực bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút dòng vốn FDI với 5,63 tỷ USD, tăng 89,1% so với cùng kỳ4. Đây cũng là mức tăng trưởng trưởng cao nhất kể từ năm 2019.
Điều này cho thấy, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường đầy sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ dư địa tăng trưởng lớn, nguồn lao động dồi dào, tốc độ đô thị hóa nhanh mà môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách ưu đãi cởi mở và đặc biệt là đà tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định là những lợi thế cạnh tranh giúp Việt Nam duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn đón đầu làn sóng FDI lần thứ 4.
Tính đến cuối tháng 11, lĩnh vực bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút dòng vốn FDI với 5,63 tỷ USD. (Ảnh minh hoạ)
Khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng mạnh, thị trường bất động sản cũng sẽ được “tiếp lửa” để phát triển sôi động, nổi bật nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp. Làn sóng đầu tư từ các “ông lớn” nước ngoài với hàng loạt dự án quy mô lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghệ cao, sẽ tạo điều kiện cho giá thuê đất công nghiệp tăng lên, tỷ lệ lấp đầy cao. Theo đó, giá đất khu công nghiệp tăng trưởng ổn định 5 – 10% trong năm 2024; tỷ lệ lấp đầy duy trì mức 84% tại khu vực miền Bắc và 93% tại khu vực miền Nam5.
Vốn FDI được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản sau thời gian dài lao dốc. Tuy nhiên, để “nắn dòng” tiền vào đúng phân khúc, đảm bảo hiệu quả đầu tư lại là bài toán không dễ giải.
10. Phát triển nhà ở xã hội không đạt mục tiêu
Mặc dù từ năm 2023, phân khúc nhà ở xã hội một lần nữa được quan tâm thúc đẩy và nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia phát triển, đặt ra kỳ vọng về cải thiện nguồn cung trong năm 2024 nhưng trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội 2024 vẫn chưa có bước tiến đáng kể và không đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ Xây dựng cho biết, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn trong năm 2024 nhưng mới chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM đi đầu về chỉ tiêu xây dựng nhưng đến nay tiến độ mới đạt 37% và 21%. Cả năm, hai thành phố lớn nhất cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội cho thuê được cấp phép xây dựng.
Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung NOXH năm 2024 vẫn còn nhỏ giọt. Trong hình là dự án NOXH New Lavida tại TP. Dĩ An đang trong giai đoạn hoàn thiện và thu hút đông đảo người dân tìm mua suốt thời gian qua
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng thực hiện rất chậm. Theo Bộ Xây dựng, đến nay mới có 36/63 tỉnh, thành phố có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, mới có 16 dự án ký hợp đồng tín dụng cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
Lợi nhuận không hấp dẫn, chi phí đầu vào ngày càng tăng cùng thủ tục phát triển nhà ở xã hội mất nhiều thời gian đã khiến cho phân khúc này vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư./.